Với suy nghĩ “Quy mô sản xuất của đơn vị mình còn nhỏ, chưa đủ lực để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu ra các nước trên thế giới…”, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất dè dặt trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000.
Với suy nghĩ “Quy mô sản xuất của đơn vị mình còn nhỏ, chưa đủ lực để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu ra các nước trên thế giới…”, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất dè dặt trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000.
Thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đã đến, những tiêu chuẩn đó là “giấy thông hành”, thể hiện uy tín của doanh nghiệp, nếu không nhanh chóng nâng cao vị thế của doanh nghiệp thì rất khó có thể cạnh tranh để tồn tại và phát triển.
Khi hỏi đến vấn đề áp dụng ISO 9000, các doanh nghiệp cho rằng mình còn nhỏ, chủ yếu làm hàng gia công sản phẩm cho doanh nghiệp lớn hay thị trường tiêu thụ hạn hẹp nên không nhất thiết phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng này. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu đúng về vai trò của ISO 9000, cũng có doanh nghiệp đã biết song không muốn bỏ ra hàng trăm triệu đồng mà không lập tức thu lại lợi nhuận và họ bằng lòng với quy mô hoạt động của mình. Đa số các đơn vị sản xuất vừa và nhỏ chiếm lĩnh thị trường bằng cách bán sản phẩm giá rẻ thì khó có hàng mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, không thể thuyết phục người tiêu dùng tin cậy. Điều đó gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác.
Trong hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng là một tiêu chí không thể thiếu. Trên mỗi sản phẩm có biểu tượng đạt chứng chỉ ISO 9000 sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Hiện nay, người tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa rất chú trọng xem nhãn mác, thương hiệu của mỗi sản phẩm khi mua hàng. Để xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 trong doanh nghiệp là không khó, chỉ cần nhận thức được vai trò của nó với sự phát triển của doanh nghiệp.
Trước tiên, phải tham gia nhiệt tình các khóa đào tạo, tập huấn kết hợp tự tìm hiểu thông tin về ISO 9000 trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ). Tuy nhiên, hiện tại có một số doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, nhưng ở doanh nghiệp lại chưa thực sự vận hành theo tiêu chuẩn ISO 9000 như: Chưa thực hiện treo các bảng nội quy, quy định và chính sách chất lượng; chưa thực sự coi trọng việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9000, chỉ dừng lại ở hình thức nên chưa làm tốt việc đưa người lao động vào guồng máy hoạt động của đơn vị mình. Chính vì vậy mà hiệu quả chất lượng quản lý theo ISO 9000 chưa cao.Các doanh nghiệp đã áp dụng tốt hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 khác hẳn so với các doanh nghiệp chưa áp dụng hệ thống này.
Đó là sự nghiêm ngặt ngay từ quy chế ra vào cơ quan của công nhân, khách đến đơn vị đến tác phong quản lý, làm việc của tất cả mọi người trong doanh nghiệp. Với những bảng, biểu, nội quy, quy định, quy trình làm việc và nhất là chính sách chất lượng của doanh nghiệp được treo ngay ngắn, dễ nhìn, dễ thấy. Các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, vệ sinh an toàn lao động trong doanh nghiệp được thực hiện rất đầy đủ. Có những doanh nghiệp dành kinh phí lên tới gần 100 triệu đồng cho công tác bảo hộ lao động như: Công ty cổ phần Khí cụ điện Vinakip, Công ty cổ phần Xi măng Sài Sơn, Công ty cổ phần Thiết bị thực phẩm.
Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO mang lại cho doanh nghiệp giá trị uy tín trên thị trường và ngay cả những người lao động trong đơn vị đó cũng được hưởng những chế độ, sự ưu đãi tốt khiến họ tận tâm, tận lực với công việc hơn, từ đó lại nhân lên hiệu quả công việc và mang đến thành công cho doanh nghiệp.